Skip to content

Tại sao tại ĐH Stanford SV không gọi GS bằng thầy (Prof.) mà toàn gọi tên trổng?!

Tư duy Stanford

TẠI SAO NƠI NÀY (ĐH Stanford) KHÔNG SV NÀO GỌI GS BẰNG THẦY (Prof.) MÀ CHỈ GỌI TÊN TRỔNG?

Triết Lý Giáo Dục

Đó là câu hỏi của Takara sau khi học ở Stanford gần hai tuần. Hai cha con nói chuyện với nhau mỗi cuối tuần và Takara chia sẻ rất thoải mái đủ thứ nên làm cha tôi đây vui lắm. Với câu hỏi trên tôi phải mất 15 phút để giải thích cho con hiểu về triết lý giáo dục mới và văn hóa tổ chức.

Khi tôi post câu hỏi trên FB thì nhiều bạn cho rằng gọi tên trổng là văn hóa của Mỹ nên không lạ. Thật sự không phải thế. Trong gia đình, con cái vẫn gọi cha mẹ là Daddy và Mommy khi còn trẻ, lớn lên thì gọi Dad và Mom. Khi cần nhấn mạnh lúc giao tiếp thì gọi Father và Mother. Ở trường từ tiểu học lên trung học thì gọi GV bằng Mister/Misses/Miss ‘Họ’ chứ không gọi tên trổng được. Ở cấp bậc đại học, đa số các trường đại học sinh viên vẫn gọi GS bằng Prof./Dr. ‘Họ’ chứ không gọi tên trổng. Ở cấp bậc cao học thì mới có sự thay đổi. Nghiên Cứu Sinh (NCS) gọi GS hướng dẫn của mình bằng tên (trổng). Các NCS từ Việt Nam vào nhóm tôi cũng yêu cầu thế nhưng chúng thường không làm được nên cho gọi bằng anh. Đấy cũng là lý do mà tôi thường yêu cầu các đồng nghiệp ở ĐH Hoa Sen hay ĐH Văn Lang không gọi tôi bằng thầy mà chỉ dùng anh hoặc tên. Đại học Utah nơi Takara có bằng kỹ sư cũng không ngoại lệ. Do đó tuy Takara sinh ra và lớn lên ở Mỹ, ra trường ĐH Mỹ nhưng vẫn thấy sự khác biệt trong văn hóa ở ĐH Stanford. Thế tại sao Stanford thì sinh viên đại học lại làm thế? Việc gọi tên trổng hay gọi ‘thầy’ phản ảnh một triết lý giáo dục rất rõ ràng. Để hiểu triết lý giáo dục này, tôi xin phép nói từ khía cạnh của giáo dục Việt Nam trước.


Văn hóa Việt Nam có những tục ngữ sau: Không thầy đố mày làm nên – Nhất tự vi sư bán tự vi sư (Một chữ là thầy mà nửa chữ cũng là thầy). Vai trò của người thầy trong văn hóa cũng như nền giáo dục VN là then chốt trong quy trình đào tạo. Chính vì thế mà quy trình đào tạo tập trung vào việc dạy là chính. Hay nói một cách khác, thầy là trọng tâm và dạy là quy trình chính trong môi trường giáo dục. Học sinh vào lớp chỉ ngồi nghe và chép là chính. Từ đó đưa đến văn hóa HS phải lễ phép với thầy/cô. HS có thể đặt câu hỏi để làm rõ nghĩa chứ thường không phản biện (không đồng quan điểm) với thầy/cô vì hành động như thế cho là hỗn và phạm kỷ luật. Nếu bạn nhìn vào hình đính kèm thì hình phía trái phản ảnh triết lý và phong cách giáo dục truyền thống ở Việt Nam. Với phong cách này thì kiến thức chỉ một chiều từ người dạy đến người học.

Thế triết lý giáo dục mới khác điều gì? Bạn nhìn vào hình phía phải. Trong triết lý giáo dục này thì người học là trọng tâm và quy trình học là chính. Làm thế nào để người học có thể học kiến thức mới hiệu quả nhất có thể? Trong lớp người học có thể học từ thầy, từ các bạn khác trong lớp và kể cả khi phản biện lại thầy. Vai trò người thầy thay đổi hoàn toàn. Người thầy lúc bây giờ là người hỗ trợ việc học của các HS chứ không còn là người chỉ biết dạy. Người hỗ trợ sẽ nhận phản hồi ý kiến từ HS và làm rõ, hiệu chỉnh, kể cả sửa sai kiến thức và truyền đạt lại cho các HS khác. Để khuyến khích SV phản biện và biểu hiện rõ vai trò của mình việc gọi tên ‘trổng’ là quan trọng vì nó không tạo nên sự khác biệt trong giai cấp. Môi trường học tập như thế khuyến khích sự sáng tạo vì sáng tạo đòi hỏi phải có khả năng đặt vấn đề với những kiến thức, tin tưởng, cũng như cơ chế hoạt động hiện hữu. Vai trò người thầy là người hỗ trợ là một phần trong triết lý giáo dục khai phóng ở đại học.

Thế tại sao Stanford làm thế và trở thành văn hóa của tổ chức mà nhiều trường ĐH công ở Mỹ không làm vậy? (Đại học công chỉ làm thế ở bậc Cao học hay tùy từng cá nhân người thầy (tự do học thuật – Academic Freedom ở đây) chứ không tạo nên văn hóa của tổ chức. Cá nhân tôi khi vào lớp bậc ĐH thì tôi khuyến khích SV gọi tôi bằng tên Thanh, tuy nhiên nếu muốn gọi Dr. Truong, hay Prof. Truong cũng được trong buổi học đầu tiên.)

Điều khá dễ hiểu đó là ĐH Stanford là trường tư, học phí rất rất đắt, và nằm trong 10 trường nổi tiếng nhất thế giới nên SV ở đây rất giỏi. SV rất năng động, tự học, kiến thức tốt nên ông thầy không cần phải nắm tay chỉ việc mà chỉ cần tạo môi trường sáng tạo để SV có thể tự học và bản thân người thầy cũng học hỏi từ SV. Từ đó nó hình thành văn hóa của tổ chức giáo dục. Takara còn nói ở đây các ngày hội tìm việc làm mà ai bận quần tây, áo sơ mi đeo cavat là không phải dân Stanford. Dân Stanford đi phỏng vấn tìm việc làm chỉ bận quần short, áo thun, đi giày sandal thôi! Hahahahhaha Làm tôi nhớ đến cái quần đùi của tôi trong lớp học quá!!!!! Hahahahahahahaha

Theo GS. Trương Nguyện Thành: Bài gốc trên FB GS


=======
Website được phát triển bới Growthkey - cộng đồng Growth Marketing/Growth Hacking đầu tiên tại Vietnam với hơn 2500 Growth Marketer hàng đầu
@Telegram + Growthkey Startup 10X
+ Growthkey Blockchain 10X (Value Investing for Hodlers)
+ Press Release và guest post vui lòng liên hệ Telegram @ mbui_asia